Email: hoangoclan_tm26@yahoo.com.vn | Hotline: 0979 466 335

Công ty luật TNHH Lê Cao

Công ty luật TNHH Lê Cao

Bình luận về xử lý tài sản bảo đảm của TCTD theo Nghị định số 21/2021/NĐ-CP và Nghị quyết 42/2017/QH14 khi bên bảo đảm, người có nghĩa vụ được bảo đảm là cá nhân chết hoặc bị Tòa án ra quyết định tuyên bố là đã chết

Tin pháp luật|

Chính phủ đã ban hành Nghị định 21/2021 quy định thi hành Bộ luật Dân sự về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và đã có hiệu lực vào 15/05/2021. Ở bài vết này tác giả muốn đi sâu vào bình luận, phân tích về nội dung: Việc TCTD xử lý TSBĐ theo Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và theo Nghị định 21/2021.

Theo đó, BLDS 2015 Điều 301 có quy định rằng “Người đang giữ tài sản bảo đảm có nghĩa vụ giao tài sản bảo đảm cho bên nhận bảo đảm để xử lý khi thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 299 của Bộ luật này. Trường hợp người đang giữ tài sản không giao tài sản thì bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết, trừ trường hợp luật liên quan có quy định khác.”, tức là TCTD có quyền yêu cầu bên thế chấp/giữ TSBĐ giao TS để xử lý thu hồi nợ. Nếu không thực hiện thì TCTD có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án giải quyết.

Tại Điều 50 Nghị định 21/2021 quy định: “Trường hợp bên bảo đảm, người có nghĩa vụ được bảo đảm là cá nhân chết hoặc bị Tòa án ra quyết định tuyên bố là đã chết thì việc thực hiện nghĩa vụ và xử lý tài sản bảo đảm thực hiện theo hợp đồng bảo đảm hoặc thỏa thuận khác đã được xác lập trước thời điểm bên bảo đảm, người có nghĩa vụ được bảo đảm chết hoặc trước thời điểm bị Tòa án ra quyết định tuyên bố là đã chết.

Trường hợp xác định được người hưởng di sản mà di sản đó đang là tài sản bảo đảm, người quản lý di sản mà di sản đó đang là tài sản bảo đảm thì bên nhận bảo đảm phải thông báo về việc xử lý tài sản bảo đảm cho người này theo địa chỉ được xác định như thông báo cho bên bảo đảm quy định tại Điều 51 Nghị định này.

Trường hợp chưa xác định được người hưởng di sản mà di sản đó đang là tài sản bảo đảm, người quản lý di sản mà di sản đó đang là tài sản bảo đảm mà nghĩa vụ được bảo đảm đã đến hạn thực hiện thì bên nhận bảo đảm có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết

Như vậy, TCTD có quyền yêu cầu người đang giữ tài sản bảo đảm giao tài sản bảo đảm và khi TSBĐ thuộc vào trường hợp bên bảo đảm, người có nghĩa vụ được bảo đảm là cá nhân chết hoặc bị Tòa án ra quyết định tuyên bố là đã chết thì TCTD phải thông báo cho người hưởng di sản (di sản nghĩa hẹp ở đây chính là TSBĐ tại TCTD), hoặc người quản lý di sản. Nếu không thực hiện được thì TCTD chỉ có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết.

Nhưng tại Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng cũng quy định về việc xử lý TSBĐ của khoản nợ bằng hình thức thu giữ. Cụ thể, Điều 7 Nghị quyết 42/2017/QH14 quy định “Trường hợp bên bảo đảm, bên giữ tài sản không giao tài sản bảo đảm cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu để xử lý thì tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu được thu giữ tài sản bảo đảm theo quy định tại Điều này.”, tức là TCTD được quyền Thu giữ nếu bên bảo đảm, bên giữ tài sản không giao tài sản bảo đảm.

Đồng thời Điều 7.3 Nghị quyết 42/2017/QH14 cũng chỉ quy định TCTD “d) Thông báo cho bên bảo đảm bằng văn bản theo đường bưu điện có bảo đảm đến địa chỉ của bên bảo đảm theo hợp đồng bảo đảm hoặc gửi trực tiếp cho bên bảo đảm”, và không có quy định hạn chế/cấm thu giữ nếu bên bảo đảm, người có nghĩa vụ được bảo đảm là cá nhân chết hoặc bị Tòa án ra quyết định tuyên bố là đã chết.

Vậy phải hiểu như thế nào khi có hai quy định như trên cùng quy định về việc xử lý TSBĐ của TCTD nếu bên bảo đảm, người có nghĩa vụ được bảo đảm là cá nhân chết hoặc bị Tòa án ra quyết định tuyên bố là đã chết, phải chăng đều phải áp dụng theo Nghị định 21/2021/NĐ-CP. Tác giả xin có quan điểm, ý kiến như sau:

Căn cứ vào các cơ sở pháp lý gồm:

Theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật số 23/VBHN-VPQH Điều 156 quy định “2. Trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn.”

Theo Nghị định 21/2021/NĐ-CP Điều 4 về áp dụng pháp luật và thoả thuận về bảo đảm thực hiện nghĩa vụ rằng “2. Trường hợp các bên trong quan hệ bảo đảm thực hiện nghĩa vụ có thỏa thuận khác với quy định tại Nghị định này mà phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự, không vi phạm điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự, không vi phạm giới hạn việc thực hiện quyền dân sự theo quy định của Bộ luật Dân sự, luật khác liên quan thì thực hiện theo thỏa thuận của các bên”

Theo Điều 17 Nghị quyết 42/2017/QH14 quy định “2. Trường hợp có quy định khác nhau giữa Nghị quyết này và luật khác về cùng một vấn đề về xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu thì áp dụng quy định của Nghị quyết này.”

Như vậy, tác giả cho rằng:

Trường hợp này, Nghị định là văn bản của Chính phủ có hiệu lực pháp lý thấp hơn Nghị quyết của Quốc hội ban hành. Nghị định 21/2021/NĐ-CP đang chỉ hướng dẫn cho quy định của BLDS 2015 và đã có loại trừ với trường hợp áp dụng theo thoả thuận tại Điều 4 nêu trên. Còn nghị quyết 42/2017/QH14 sẽ áp dụng riêng cho việc xử lý nợ xấu. Do đó, tác giả cho rằng với các TSBĐ mà đáp ứng các điều kiện xử lý theo Nghị quyết 42/2017/QH14 thì sẽ không bị ảnh hưởng bởi Nghị định 21/2021/NĐ-CP, dù là bên bảo đảm, người có nghĩa vụ được bảo đảm là cá nhân chết hoặc bị Tòa án ra quyết định tuyên bố là đã chết. Còn nghị định 21/2021/NĐ-CP sẽ áp dụng cho trường hợp xử lý TSBĐ theo Điều 301-BLDS 2015 và không đủ điều kiện để xử lý theo Nghị quyết 42/2017/QH14

Tác giả: LeCaolawyer

Gọi luật sư Đặt câu hỏi Báo giá vụ việc Đặt lịch hẹn