Email: hoangoclan_tm26@yahoo.com.vn | Hotline: 0979 466 335

Công ty luật TNHH Lê Cao

Công ty luật TNHH Lê Cao

MỘT SỐ QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM VÀ BẢO VỆ QUYỀN LƠI CỦA NGƯỜI TIÊU DÙNG

I.Văn bản Pháp luật:

Luật An toàn thực phẩm có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019 (sau đây gọi tất là Luật An toàn thực phẩm).

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số 59/2010  thông qua ngày 17 tháng 11 năm 2010.

a) Luật An toàn thực phẩm

Luật An toàn thực phẩm quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong bảo đảm an toàn thực phẩm; điều kiện bảo đảm an toàn đối với thực phẩm, sản xuất, kinh doanh thực phẩm và nhập khẩu, xuất khẩu thực phẩm; quảng cáo, ghi nhãn thực phẩm; kiểm nghiệm thực phẩm; phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm; phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm; thông tin, giáo dục, truyền thông về an toàn thực phẩm; trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm..

Về nguyên tắc, bảo đảm an toàn thực phẩm là trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Sản xuất, kinh doanh thực phẩm là hoạt động có điều kiện; tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải chịu trách nhiệm về an toàn đối với thực phẩm do mình sản xuất, kinh doanh. Quản lý an toàn thực phẩm phải trên cơ sở quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, quy định do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ban hành và tiêu chuẩn do tổ chức, cá nhân sản xuất công bố áp dụng. Quản lý an toàn thực phẩm phải được thực hiện trong suốt quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên cơ sở phân tích nguy cơ đối với an toàn thực phẩm. Quản lý an toàn thực phẩm phải bảo đảm phân công, phân cấp rõ ràng và phối hợp liên ngành. Quản lý an toàn thực phẩm phải đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Trong thực hiện Luật An toàn thực phẩm, nghiêm cấm 13 nhóm hành vi: 1. Sử dụng nguyên liệu không thuộc loại dùng cho thực phẩm để chế biến thực phẩm. 2. Sử dụng nguyên liệu thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc không bảo đảm an toàn để sản xuất, chế biến thực phẩm. 3. Sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm đã quá thời hạn sử dụng, ngoài danh mục được phép sử dụng hoặc trong danh mục được phép sử dụng nhưng vượt quá giới hạn cho phép; sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, hóa chất bị cấm sử dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm. 4. Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân, bị tiêu hủy để sản xuất, kinh doanh thực phẩm. 5. Sản xuất, kinh doanh: Thực phẩm vi phạm quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa; thực phẩm không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; thực phẩm bị biến chất; thực phẩm có chứa chất độc hại hoặc nhiễm chất độc, tác nhân gây ô nhiễm vượt quá giới hạn cho phép; thực phẩm có bao gói, đồ chứa đựng không bảo đảm an toàn hoặc bị vỡ, rách, biến dạng trong quá trình vận chuyển gây ô nhiễm thực phẩm; thịt hoặc sản phẩm được chế biến từ thịt chưa qua kiểm tra thú y hoặc đã qua kiểm tra nhưng không đạt yêu cầu; thực phẩm không được phép sản xuất, kinh doanh để phòng, chống dịch bệnh; thực phẩm chưa được đăng ký bản công bố hợp quy tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong trường hợp thực phẩm đó thuộc diện phải được đăng ký bản công bố hợp quy; thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc quá thời hạn sử dụng. 6. Sử dụng phương tiện gây ô nhiễm thực phẩm, phương tiện đã vận chuyển chất độc hại chưa được tẩy rửa sạch để vận chuyển nguyên liệu thực phẩm, thực phẩm. 7. Cung cấp sai hoặc giả mạo kết quả kiểm nghiệm thực phẩm. 8. Che dấu, làm sai lệch, xóa bỏ hiện trường, bằng chứng về sự cố an toàn thực phẩm hoặc các hành vi cố ý khác cản trở việc phát hiện, khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm. 9. Người mắc bệnh truyền nhiễm tham gia sản xuất, kinh doanh thực phẩm. 10. Sản xuất, kinh doanh thực phẩm tại cơ sở không có giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm theo quy định của pháp luật. 11. Quảng cáo thực phẩm sai sự thật, gây nhầm lẫn đối với người tiêu dùng. 12. Đăng tải, công bố thông tin sai lệch về an toàn thực phẩm gây bức xúc cho xã hội hoặc thiệt hại cho sản xuất, kinh doanh. 13. Sử dụng trái phép lòng đường, vỉa hè, hành lang, sân chung, lối đi chung, diện tích phụ chung để chế biến, sản xuất, kinh doanh thức ăn đường phố.

b) Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức xã hội trong việc tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

 Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là trách nhiệm chung của Nhà nước và toàn xã hội. Quyền lợi của người tiêu dùng được tôn trọng và bảo vệ theo quy định của pháp luật. Bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng phải được thực hiện kịp thời, công bằng, minh bạch, đúng pháp luật. Hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không được xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ và tổ chức, cá nhân khác.

Người tiêu dùng được bảo đảm an toàn, bí mật thông tin của mình khi tham gia giao dịch, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu. Trường hợp thu thập, sử dụng, chuyển giao thông tin của người tiêu dùng thì tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ có trách nhiệm thông báo rõ ràng, công khai trước khi thực hiện với người tiêu dùng về mục đích hoạt động thu thập, sử dụng thông tin của người tiêu dùng; sử dụng thông tin phù hợp với mục đích đã thông báo với người tiêu dùng và phải được người tiêu dùng đồng ý; bảo đảm an toàn, chính xác, đầy đủ khi thu thập, sử dụng, chuyển giao thông tin của người tiêu dùng; tự mình hoặc có biện pháp để người tiêu dùng cập nhật, điều chỉnh thông tin khi phát hiện thấy thông tin đó không chính xác; chỉ được chuyển giao thông tin của người tiêu dùng cho bên thứ ba khi có sự đồng ý của người tiêu dùng, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

II. BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM

1. Bảo đảm an toàn đối với thực phẩm

Điều kiện chung về bảo đảm an toàn đối với thực phẩm, đó là: Đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật tương ứng, tuân thủ quy định về giới hạn vi sinh vật gây bệnh, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng thuốc thú y, kim loại nặng, tác nhân gây ô nhiễm và các chất khác trong thực phẩm có thể gây hại đến sức khỏe, tính mạng con người. Tùy từng loại thực phẩm, ngoài các quy định tại khoản 1 Điều này, thực phẩm còn phải đáp ứng một hoặc một số quy định sau đây: Quy định về sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; quy định về bao gói và ghi nhãn thực phẩm; quy định về bảo quản thực phẩm.

Ngoài điều kiện chung, Luật An toàn thực phẩm quy định điều kiện cụ thể đối với từng loại thực phẩm, như: Thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến, thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng, thực phẩm biến đổi gen, thực phẩm đã qua chiếu xạ, phụ gia thực phẩm và chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm.

2. Bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm

Quy định tại Luật An toàn thực phẩm, Chương IV.

Trong đó, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với nơi chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống như sau:  Bếp ăn được bố trí bảo đảm không nhiễm chéo giữa thực phẩm chưa qua chế biến và thực phẩm đã qua chế biến; có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ việc chế biến, kinh doanh; có dụng cụ thu gom, chứa đựng rác thải, chất thải bảo đảm vệ sinh; cống rãnh ở khu vực cửa hàng, nhà bếp phải thông thoát, không ứ đọng; nhà ăn phải thoáng, mát, đủ ánh sáng, duy trì chế độ vệ sinh sạch sẽ, có biện pháp để ngăn ngừa côn trùng và động vật gây hại; có thiết bị bảo quản thực phẩm, nhà vệ sinh, rửa tay và thu dọn chất thải, rác thải hàng ngày sạch sẽ; người đứng đầu đơn vị có bếp ăn tập thể có trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm.

Đối với cơ sở chế biến, kinh doanh dịch vụ ăn uống phải có dụng cụ, đồ chứa đựng riêng cho thực phẩm sống và thực phẩm chín; dụng cụ nấu nướng, chế biến phải bảo đảm an toàn vệ sinh; dụng cụ ăn uống phải được làm bằng vật liệu an toàn, rửa sạch, giữ khô; tuân thủ quy định về sức khỏe, kiến thức và thực hành của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Trong chế biến và bảo quản thực phẩm phải sử dụng thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm phải rõ nguồn gốc và bảo đảm an toàn, lưu mẫu thức ăn; thực phẩm phải được chế biến bảo đảm an toàn, hợp vệ sinh; thực phẩm bày bán phải để trong tủ kính hoặc thiết bị bảo quản hợp vệ sinh, chống được bụi, mưa, nắng và sự xâm nhập của côn trùng và động vật gây hại; được bày bán trên bàn hoặc giá cao hơn mặt đất.

Trong kinh doanh thức ăn đường phố, nơi bày bán thức ăn phải cách biệt nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm; phải được bày bán trên bàn, giá, kệ, phương tiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, mỹ quan đường phố. Nguyên liệu để chế biến thức ăn đường phố phải bảo đảm an toàn thực phẩm, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Dụng cụ ăn uống, chứa đựng thực phẩm phải bảo đảm an toàn vệ sinh. Bao gói và các vật liệu tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm không được gây ô nhiễm và thôi nhiễm vào thực phẩm. Có dụng cụ che nắng, mưa, bụi bẩn, côn trùng và động vật gây hại. Có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ việc chế biến, kinh doanh. Tuân thủ quy định về sức khỏe, kiến thức và thực hành đối với người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

III. CÁC BIỆN PHÁP PHÁP LÝ ĐẢM BẢO THỰC HIỆN VỆ SINH AN TOÀN THỰC PHẨM

1. Quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng thực phẩm

a) Quyền của người tiêu dùng thực phẩm

Điều 38 và Điều 43 Luật Hiến pháp, mọi người có quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe; có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ bảo vệ môi trường. Nghiêm cấm các hành vi đe dọa cuộc sống, sức khỏe của người khác và cộng đồng. Nhà nước có chính sách bảo vệ môi trường.

Theo Điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người tiêu dùng có tám quyền sau đây:

(i)      Quyền được an toàn;

(ii)     Quyền được thông tin;

(iii)    Quyền được lựa chọn;

(iv)    Quyền được lắng nghe;

(v)     Quyền được tham gia xây dựng chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

(vi)    Quyền được yêu cầu bồi thường;

(vii)   Quyền được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện;

(viii) Quyền được giáo dục, đào tạo về tiêu dùng.

Luật An toàn thực phẩm quy định về năm quyền của người tiêu dùng thực phẩm tại Khoản 1 Điều 9. Có thể thấy năm quyền này của người tiêu dùng thực phẩm được ghi nhận dựa trên cơ sở các quyền trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Trong lĩnh vực an toàn thực phẩm theo pháp luật Việt Nam, “Quyền được an toàn” của người tiêu dùng được chú trọng nhất.  

b) Nghĩa vụ của người tiêu dùng thực phẩm

Không chỉ quy định về quyền và các biện pháp bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, một trong những điểm nổi bật mà Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đưa ra là quy định về nghĩa vụ của người tiêu dùng. Quy định cụ thể về nghĩa vụ của người tiêu dùng được ghi nhận tại Điều 9 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cụ thể: Kiểm tra hàng hóa trước khi nhận; lựa chọn tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, không làm tổn hại đến môi trường, trái với thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội, không gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe của mình và của người khác; thực hiện chính xác, đầy đủ hướng dẫn sử dụng hàng hóa, dịch vụ. Thông tin cho cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan khi phát hiện hàng hóa, dịch vụ lưu hành trên thị trường không bảo đảm an toàn, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng; hành vi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

Luật An toàn thực phẩm cũng có quy định về nghĩa vụ của người tiêu dùng thực phẩm tại Khoản 2 Điều 9: Tuân thủ đầy đủ các quy định, hướng dẫn về an toàn thực phẩm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh trong vận chuyển, lưu giữ, bảo quản và sử dụng thực phẩm; kịp thời cung cấp thông tin khi phát hiện nguy cơ gây mất an toàn thực phẩm, khai báo ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm với Ủy ban nhân dân nơi gần nhất, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm; tuân thủ quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong quá trình sử dụng thực phẩm.

2. Nghĩa vụ và trách nhiệm của nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm

a) Trách nhiệm chung của nhà sản xuất, kinh doanh thực phẩm đối với người tiêu dùng thực phẩm

Điều 12 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định về “Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng”. Trong đó, quy định tại Khoản 1 và khoản 3 liên quan đến trách nhiệm của thương nhân trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm, đó là trách nhiệm “Ghi nhãn hàng hoá theo quy định của pháp luật” và “Cảnh báo khả năng hàng hóa, dịch vụ có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của người tiêu dùng và các biện pháp phòng ngừa”.  

b) Quy định trách nhiệm thu hồi hàng hoá có khuyết tật và bồi thường thiệt hại do hàng hoá có khuyết tật gây ra

Điều 23 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định về “Bồi thường thiệt hại do sản phẩm có khuyết tật gây ra”. Cùng với đó là quy định về trách nhiệm thu hồi hàng hoá có khuyết tật tại Điều 22.  

3. Giải quyết tranh chấp với người tiêu dùng

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định có bốn phương thức giải quyết tranh chấp đó là thương lượng, hoà giải, trọng tài và toà án. Không được thương lượng, hoà giải trong trường hợp tranh chấp gây thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích của nhiều người tiêu dùng và lợi ích công cộng.

4. Tổ chức xã hội về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thực phẩm

Tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được quy định tại Điều 27, 28, 29 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Các hoạt động của tổ chức xã hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam bao gồm: Hướng dẫn, giúp đỡ, tư vấn người tiêu dùng khi có yêu cầu; đại diện người tiêu dùng khởi kiện hoặc tự mình khởi kiện vì lợi ích công cộng; cung cấp cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thông tin về hành vi vi phạm pháp luật của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; độc lập khảo sát, thử nghiệm; công bố kết quả khảo sát, thử nghiệm chất lượng hàng hóa, dịch vụ do mình thực hiện; thông tin, cảnh báo cho người tiêu dùng về hàng hóa, dịch vụ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thông tin, cảnh báo của mình; kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tham gia xây dựng pháp luật, chủ trương, chính sách, phương hướng, kế hoạch và biện pháp về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; thực hiện nhiệm vụ được cơ quan nhà nước giao theo quy định; tham gia tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức tiêu dùng.

5. Chế tài xử phạt hành vi vi phạm pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm

Các nguyên tắc chung về xử lý hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng thực phẩm được nêu tại Điều 11 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và Điều 6 Luật An toàn thực phẩm. Theo đó, tổ chức, cá nhân, người lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và an toàn vệ sinh thực phẩm thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự (đối với cá nhân), nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Như vậy, có ba loại chế tài có thể bị áp dụng đối với hành vi của tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng.

a) Chế tài dân sự

b) Chế tài hành chính

c) Chế tài hình sự.

Trường hợp quý DN/bạn đọc có thắc mắc hoặc yêu cầu dịch vụ tư vấn vui lòng liên hệ Hotline: 0979 466 335 (Luật sư Lê Cao)

Gọi luật sư Đặt câu hỏi Báo giá vụ việc Đặt lịch hẹn